Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Tap doan Dau khi Viet Nam hop bao truc tuyen quy 12012

(VOH) - Sáng 9-4, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Họp báo trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2012 và những nhiệm vụ trọng tâm quý II/2012.


Tham dự Họp báo có ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Ban Tuyên giáo TƯ. Đánh giá khái quát những kết quả nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quý I/2012, ông Lê Minh Hồng- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đã nhấn mạnh: Quý I /2012 Tập đoàn Dầu khí đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra và có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2011. Đáng chú ý, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 6,45 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Tổng Doanh thu các đơn vị của Tập đoàn đạt 189,4 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nộp ngân sách đạt 40,6 nghìn tỷ đồng. Cũng trong quý 1, doanh thu từ các đơn vị dịch vụ dầu khí tăng 16,0% so với cùng kỳ. Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn đã triển khai tích cực công tác an ninh, an toàn dầu khí, đảm bảo công tác an sinh xã hội, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Quý 1, Tập đoàn đã tiết giảm 512 tỷ đồng. Thực hiện NQ TW 3 khoá XI về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước,  quý 1,Tập đoàn đã hoàn chỉnh đề án tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 1012- 2015 trình Thủ tướng Chính phủ.    
Về phương hướng quý II/2012, Tập đoàn Dầu khí VN tập trung 11 giải pháp, trong đó thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất  kinh doanh; tiếp tục phát triển thị trường tiêu thị các sản phẩm mới; thu xếp đủ vốn và thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư; Rà soát và đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và thực hiện quyết liệt 3 giải pháp đột phá: quản lý, khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam họp báo trực tuyến  quý 1/2012

Cũng trong buổi Họp báo trực tuyến sáng nay, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trả lời câu hỏi của phóng viên, xung quanh quan điểm và hướng xử lý một số khuyết điểm của Tập đoàn sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ông Phùng Đình Thực- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Tập đoàn đã và đang thực hiện đúng văn bản kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong đó phát huy thành tựu, kết quả đạt được, giữ vững vị trí đầu tàu là Tập đoàn nhà nước đang phát triển mạnh, kinh doanh hiệu quả trong và ngoài nước. Song, với một số khuyết điểm, ông Phùng Đình Thực nhấn mạnh: Tập đoàn đã chỉ đạo ra soát một số đơn vị sai phạm, đồng thời có kế hoạch kiểm điểm, xử lý tập thể và cá nhân liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ với thái độ cầu thị, trung thực, khách quan và nghiêm túc.
Bích Liên
Theo tintuc.xalo.vn

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

“Chuyện tình” giữa người rừng và lúa nước


(Dân trí) - Giữa trùng trùng đá vôi khổng lồ rộng tầm 10.000km2 hoang sơ và kỳ vĩ của Phong Nha - Kẻ Bàng lại có hơn 10ha lúa nước đang trổ mầm xanh. Câu chuyện như cổ tích ấy, bà con người Rục và Bộ đội Biên phòng 585 vẫn thường hay kể.

Chúng tôi lên xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) - được mệnh danh là "đỉnh trời" của dãy Trường Sơn phía Tây Quảng Bình. Khí trời mùa này vẫn còn se rét, nhưng bụng dạ đồng bào dân tộc Rục, Sách nơi miền sơn cước này đang ấm lắm. Ấm bởi nay họ đã biết dựng nhà kiên cố để ở, biết trồng cây lúa nước để đủ gạo ăn quanh năm…

Hành trình rời hang núi

Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Quảng Bình xuất hiện lời đồn về "người nguyên thủy" ở vùng núi rừng hoang vu phía Tây tỉnh này. Đó là trong một chuyến tuần tra biên giới, tổ tuần tra biên giới Đồn CAND vũ trang Óc Sách (nay là đồn Bộ đội Biên phòng 585) đã phát hiện một nhóm người mình trần, chân đất, đóng khố bỏ chạy tán loạn khi thấy họ.

Một chuyến "nằm vùng", ăn ngủ với rừng suốt 5 tháng dài đến ngày 12/09/1959, tiểu đội của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã phát hiện ra tung tích của "người nguyên thủy". Nhưng cứ đến gần là họ cắm cổ chạy vào rừng sâu. Nhưng các chiến sĩ Biên phòng vẫn kiên trì theo dõi. Rồi nhờ sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản của dân tộc Chứt (34 "người nguyên thủy" ấy là đồng bào người Rục, một nhóm nhỏ của dân tộc Chứt), Biên phòng đã tiếp cận được họ trong một hang sâu tối thuộc Phong Nha - Kẻ Bàng.

Và cuộc "ly cốc, hạ sơn" bắt đầu khi lực lượng Biên phòng vận động họ về định cư tại 2 bản Ón và Mò O Ồ  Ồ, xã Thượng Hoá.

Những đứa trẻ ở đồng bào Rục đến trường gieo ước mơ nơi miền sơn cước

Nhưng hành trình ấy đâu dễ đổi thay khi tập quán săn bắt, hái lượm đã ăn sâu tận trong máu thịt của đồng bào. Khoảng những năm 1972 - 1973, Mỹ - ngụy điên cuồng dội bom đạn xuống vùng này để mở rộng chiến tranh. Người Rục lại bị lãng quên. Năm 1989, trận dịch sởi quét qua đã khiến 20 người Rục mất mạng. Quá kinh hãi, những người Rục cuối cùng lại quay về rừng.

Quá nhiều biến cố, không dưới 3 lần người Rục đã bỏ bản làng lên những hang đá sâu, về sống đời nguyên thủy. Nhưng sau mỗi lần như thế, Biên phòng cùng cán bộ xã Thượng Hóa lại theo sau vận động về bản. Để bây giờ, anh cán bộ Tư pháp xã cứ sang sảng: "Người Rục ư? Họ có gần 110 hộ với gần 450 nhân khẩu rồi".

Cuộc "hôn nhân"  giữ lúa nước và "người rừng"

Đưa người rừng về đã khó, làm cho họ no cái bụng để định cư còn khó gấp bội phần. Câu chuyện đưa cây lúa nước lên với đồng bào Rục được ví như là một cuộc hôn nhân đầy phúc hạnh mà Biên phòng là người se duyên.

Trung tá Trịnh Thanh Bình chia sẻ niềm vui được mùa cùng đồng bào Rục (Ảnh: Đồn Biên phòng 585 cung cấp)

"Đưa được bà con về, cũng mừng lắm nhưng phải tính kế lo cho bà con có kinh tế ổn định nữa mới yên lòng. Năm 2009, đơn vị bàn bạc nhiều lần và quyết định trồng thử 2 ha lúa nước để giải quyết lương thực tại chỗ cho bà con. Cuối vụ, lúa thu về rất năng suất. Lại sướng rơn! Thế là năm 2010, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh kiến nghị lên UBND tỉnh thực hiện dự án lúa nước Rục Làn gieo cấy trên 10 ha ruộng" - Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn biên phòng 585, kể.

Nhưng đâu dễ, bà con người Rục vốn chỉ quen với bản năng lấy từ núi rừng để ăn, để sống chứ có ai biết hay nghĩ đến cấy trồng là cái chi? Đưa giống, phân lên, các chiến sĩ đồn 585 lại xắn quần xuống ruộng gieo cấy trước cho bà con thấy để làm theo. Từng chiến sĩ đến bên từng người, từng đám ruộng, nắm tận tay bà con để hướng dẫn từng đường cày, đường cấy.

Sau 2 năm 4 vụ, thành công đã thấy rất rõ ràng. Người Rục ở Thượng Hoá đã thạo lắm cái việc cày ra đường thẳng, cấy cây lúa đẹp, cầm liềm gặt nhanh tay và hạt lúa đã chất đầy bồ.

Người Rục, người Sách đang làm một mâm lễ đạm bạc xin thần núi, thần sông, xin Giàng, xin đất cho đồng bào xuống đồng để đồng bào thôi không còn lo đói

Một trong những người Rục tiên phong tán thành cao việc thực hiện dự án lúa nước Rục Làn là ông Cao Tiến Thuỳnh, giờ gặp chúng tôi cứ chỉ ra cánh đồng mà cười khà khà: "Các cán bộ chừ không lo nữa. Bởi giao ruộng cho bà con, lịch thời vụ, chăm bón, phun thuốc bà con đã quen biết hết". Ông Thuỳnh thật thà cho biết, vụ Đông – Xuân vừa rồi nhà ông đưa về đổ trong bồ gần 1 tấn thóc. Cả bản ni cũng rứa, hết lo đói ăn rồi. Dự án lúa nước Rục Làn đang phục vụ cho 115 hộ tham gia sản xuất. Trước tổ chức sản xuất theo kiểu hợp tác xã, bây giờ chuyển sang việc giao luôn ruộng lúa cho bà con rồi.

"Nếu không có cán bộ Biên phòng thì bà con Rục chắc bây giờ vẫn ở trong hang đá thôi. Làm sao biết nuôi trồng, biết cấy lúa, biết dựng cái nhà để ở được? Đồng bào mình suốt đời không quên ơn" – ông Cao Văn Khoan (56 tuổi), người ở bản Mò O Ồ  Ồ, tâm sự.


Những mầm xanh mơn mỡn sẽ hứa hẹn một mùa vàng bội thu

Đồn trưởng Đồn 585 Trịnh Thanh Bình cho hay: "Sợ mất mùa nhất là vụ Hè – Thu năm 2011 vì lũ lụt xảy ra liên tiếp. Nhưng cuối vụ năng suất lúa vẫn cao, được 4 tấn/ha. Đồn cũng đã tổ chức khảo sát các vùng đất tại xã Hoá Sơn, huyện Minh Hoá để mở rộng phát triển cây lúa nước trong vùng núi đá vôi".


Chiến sĩ đồn Biên phòng 585 cùng bà con đang gieo trồng vụ mới

Nhớ mãi cái hôm xuống đồng gieo cấy. Bí thư chi bộ bản Mò O Ồ Ồ sau thủ tục cúng Giàng, tay nâng chén rượu lên ngang mặt mà khấn: "Hôm ni 16 tháng Giêng, người Rục, người Sách của hai bản Yên Hợp và Mò O Ồ  Ồ làm một mâm lễ đạm bạc xin thần núi, thần sông, xin Giàng, xin đất cho đồng bào xuống đồng, cùng với bộ đội biên phòng Đồn 585 - Cà Xèng làm nên một mùa lúa mới bội thu, để từ đây cánh đồng lúa Rục Làn mãi mãi xanh tươi, để đồng bào thôi không còn lo đói".

Đặng Tài - Nguyễn Tú

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

10 nước nặng nợ nhất thế giớ

(Dân trí) - Hy Lạp là một trong những nước nặng nợ nhất thế giới, nhưng vẫn chưa phải là quốc gia số 1 về tiêu chí này. Ngoài Hy Lạp, còn có rất nhiều nước châu Âu khác cũng đang chìm đắm trong nợ công và suy thoái kinh tế.

Sau nhiều nỗ lực để đưa ra một kế hoạch khắc khổ mất lòng dân, Hy Lạp vẫn đang bị dồn tới bờ vực vỡ nợ cấp quốc gia. Theo diễn biến mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đòi Athens phải trình bày các biện pháp cụ thể và thuyết phục về việc làm thế nào để cắt giảm chi tiêu công một khoản 3,3 tỷ Euro như kế hoạch đề ra.

Nếu không được bơm vốn sớm, Hy Lạp sẽ vỡ nợ vào đầu tháng 3 tới đây. Hy Lạp là một trong những nước nặng nợ nhất thế giới, nhưng vẫn chưa phải là quốc gia số 1 về tiêu chí này. Ngoài  Hy Lạp, còn có rất nhiều nước châu Âu khác cũng đang chìm đắm trong nợ công và suy thoái kinh tế.
Tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản bỏ xa bất kỳ một nước phát triển nào trên thế giới.
Với dữ liệu từ hãng định mức tín nhiệm Moody's , trang 24/7 Wall Street đã điểm 10 quốc gia có tỷ lệ nợ công/GDP "đỉnh" nhất thế giới hiện nay. Các dữ liệu đều được tính ở thời điểm cuối năm 2011, trừ GDP/đầu người là số liệu tính đến năm 2010.

10. Vương quốc Anh

Tỷ lệ nợ công/GDP: 80,9%
Tổng nợ chính phủ: 1,99 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 35.860 USD
GDP danh nghĩa: 2,46 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 8,4%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: AAA

Dù có tỷ lệ nợ công/GDP cao thứ 10 thế giới, nước Anh vẫn nỗ lực giữ được một nền kinh tế ổn định. Anh không tham gia vào khối Eurozone và có ngân hàng trung ương riêng. Chính sự độc lập này đã giúp nước Anh giảm bớt ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ châu Âu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh cũng được giữ ở mức thấp.

9. Đức

Tỷ lệ nợ công/GDP: 81,8%
Tổng nợ chính phủ: 2,79 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 37.591 USD
GDP danh nghĩa: 3,56 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 5,5%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: AAA

Là nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và có ảnh hưởng lớn về mặt tài chính trong khối này, Đức đặc biệt quan tâm tới việc duy trì sự ổn định trên thị trường nợ của riêng mình cũng như của toàn khối Eurozone. Bởi thế, nước này đã đóng góp một phần không nhỏ vào gói giải cứu tài chính trị giá 45 tỷ Euro mà IMF và EU dành cho Hy Lạp vào năm 2010. Dù có tỷ lệ nợ công/GDP cao, Đức là nền kinh tế mạnh và có tỷ lệ thất nghiệp gần như thấp nhất ở châu Âu.

8. Pháp

Tỷ lệ nợ công/GDP: 85,4%
Tổng nợ chính phủ: 2,26 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 33.820 USD
GDP danh nghĩa: 2,76 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 9,9%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: AAA

Pháp là nền kinh tế lớn thứ nhì trong khối Eurozone, sau Đức. Tháng 1 vừa qua, một cú sốc đã xảy đến đối với Pháp khi nước này bị hãng Standard & Poor's tước hạng mức tín nhiệm AAA. Chính phủ Pháp không đồng tình với cách đánh giá này vì cho rằng nền kinh tế nước mình là ổn định như kinh tế Anh. Đầu tuần này, Moody's cũng đã cảnh báo về khả năng hạ điểm tín nhiệm của Pháp từ mức AAA.

7. Mỹ

Tỷ lệ nợ công/GDP: 85,5%
Tổng nợ chính phủ: 12,8 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 47.184 USD
GDP danh nghĩa: 15,13 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 8,3%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: AAA

Vào năm 2001, tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ mới là 45,6%. Đến năm 2011, sau một thập kỷ chi tiêu công gia tăng, nước Mỹ đã chứng kiến khối nợ "phình" lên 85,5% GDP. Vào năm 2001, chi tiêu công của Mỹ tương đương 33,1% GDP, đến năm 2010, tỷ lệ này là 39,1%. Năm 2005, Chính phủ Mỹ nợ 6,4 nghìn tỷ USD. Đến năm 2011, con số này tăng hơn gấp đôi lên 12,8 nghìn tỷ USD. Tháng 8 năm ngoái, Standard & Poor's đã hạ điểm tín nhiệm của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - từ AAA xuống AA+.

6. Bỉ

Tỷ lệ nợ công/GDP: 97,2%
Tổng nợ chính phủ: 479 tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 37.448 USD
GDP danh nghĩa: 514 tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 7,2%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: AA1

Tỷ lệ nợ công/GDP của Bỉ đạt đỉnh 135% vào năm 1993, sau đó giảm liên tục còn khoảng 84% vào năm 2007. Nhưng trong 4 năm kế tiếp, tỷ lệ này lại tăng lên trên 97%. Đầu năm nay, sau khi bị Moody's hạ 2 bậc tín nhiệm vào cuối năm ngoái, Chính phủ Bỉ buộc phải cắt giảm 1,3 tỷ USD chi tiêu công để tránh bị khủng hoảng nợ gõ cửa.

5. Bồ Đào Nha

Tỷ lệ nợ công/GDP: 101,6%
Tổng nợ chính phủ: 257 tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 25.575 USD
GDP danh nghĩa: 239 tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 13,6%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: BA3

Nền kinh tế Bồ Đào Nha chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái toàn cầu, một phần vì nước này có GDP/đầu người thấp. Năm 2011, Bồ Đào Nha phải nhận 104 tỷ USD tiền cứu trợ từ EU và IMF do mức thâm hụt ngân sách lớn và nợ công leo thang mạnh. Chính phủ Bồ Đào Nha hiện có kế hoạch hạ thâm hụt ngân sách từ 9,8% GDP vào năm 2010 xuống còn 4,5% vào năm 2012 và xuống còn 3% theo trần của EU vào năm 2013. Theo xếp hạng tín nhiệm của Moody's, trái phiếu của Bồ Đào Nha hiện không ở trong hạng được khuyến nghị đầu tư.

4. Ireland

Tỷ lệ nợ công/GDP: 108,1%
Tổng nợ chính phủ: 225 tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 39.727 USD
GDP danh nghĩa: 217 tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 14,5%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: Ba1

Ireland từng là một trong những nền kinh tế "khỏe mạnh" nhất của khối EU. Đầu thập niên 2000, nước này có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn bất kỳ một nước công nghiệp phát triển nào, đồng thời GDP tăng trưởng hàng năm khoảng 10%. Tuy nhiên, khi suy thoái toàn cầu nổ ra, kinh tế Ireland chuyển sang suy giảm nhanh chóng. Năm 2006, thâm hụt ngân sách của Chính phủIreland là 2,9%, đến năm 2010, tỷ lệ này lên tới 32,4% GDP. Từ năm 2001 tới nay, nợ công của nước này tăng hơn 500%. Trái phiếu của Ireland hiện không nằm trong diện khuyến nghị đầu tư theo đánh giá của Moody's.

3. Italy

Tỷ lệ nợ công/GDP: 120,5%
Tổng nợ chính phủ: 2,54 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 31.555 USD
GDP danh nghĩa: 2,2 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 8,9%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: A3

Khối nợ công khổng lồ của Italy càng trở nên nguy hiểm hơn khi tăng trưởng GDP của nước này diễn ra chậm chạp. Năm 2010, GDP của Italy chỉ tăng 1,3% sau 2 năm suy giảm liên tiếp. Vào tháng 12/2011, Chính phủ Italy đã thông qua một kế hoạch ngân sách khắc khổ nhằm hạ lãi suất vay vốn. Tuy nhiên, đầu tuần này, Moody's vẫn hạ một bậc điểm tín nhiệm của Italy.

2. Hy Lạp

Tỷ lệ nợ công/GDP: 168,2%
Tổng nợ chính phủ: 489 tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 28.154 USD
GDP danh nghĩa: 303 tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 19,2%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: CA

Hy Lạp vẫn là tâm điểm của khủng hoảng nợ châu Âu, cho dù đã được EU và IMF giải cứu. Chính phủ nước này đang tiếp tục phải đưa ra những kế hoạch cải cách và cắt giảm chi tiêu ngặt nghèo nhằm đổi lấy khoản cứu trợ tiếp theo trị giá khoảng 130 tỷ Euro. Nếu không được bơm vốn, Hy Lạp sẽ vỡ nợ vào tháng 3 tới. Năm 2010, tỷ lệ nợ công/GDP của Hy Lạp là 143%. Năm ngoái, con số này đã tăng lên thành 163%.

1. Nhật Bản

Tỷ lệ nợ công/GDP: 233,1%
Tổng nợ chính phủ: 13,7 nghìn tỷ USD
GDP đầu người (đồng giá sức mua): 33.994 USD
GDP danh nghĩa: 5,88 nghìn tỷ USD
Tỷ lệ thất nghiệp: 4,6%
Định mức tín nhiệm từ Moody's: AA3

Tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản bỏ xa bất kỳ một nước phát triển nào trên thế giới. Tuy nặng nợ, kinh tế Nhật hiện vẫn chưa lâm vào thảm họa như Hy Lạp, phần lớn nhờ tỷ lệ thấp nghiệp thấp và trái phiếu chính phủ chủ yếu do các chủ nợ trong nước nắm giữ. Theo Chính phủ Nhật, 95% dư nợ trái phiếu của Tokyo hiện nằm trong tay của các nhà đầu tư trong nước, chỉ có 5% là do các chủ nợ nước ngoài nắm giữ. Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đang có kế hoạch tăng thuế để giảm nợ công.

Phương Anh


Sai phạm chồng sai phạm trong việc xét xử vụ ông Vươn

(Dân trí) - Tòa sơ thẩm bỏ lọt tính hợp pháp của quyết định thu hồi đất đầm tôm. Tòa phúc thẩm càng sai khi không tuyên hủy án sơ thẩm mà đình chỉ xử phúc thẩm, lại thêm thao tác "cộng gộp" việc của ông Vươn và một chủ đầm khác làm một…

Quyết định kháng nghị tái thẩm số 1/2012 của Chánh án TAND tối cao do Phó Chánh án Nguyễn Sơn ký thay ngày 10/2 vừa qua đã chỉ ra một loạt sai phạm trong công tác xét xử của 2 cấp tòa tại huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng về việc giải quyết vụ kiện hành chính của ông Đoàn Văn Vươn với quyết định thu hồi đất của chính quyền huyện.

Án sơ thẩm phiến diện

Lật lại vụ việc từ đầu, quyết định kháng nghị tái thẩm chỉ rõ, ông Vươn được giao 21 ha đất nuôi trồng thủy sản từ 4/10/1993 tại khu cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Trong quá trình sử dụng, ông Vươn lấn chiếm, tôn tạo hơn 19 ha đất đầm. Tuy nhiên, việc lấn chiếm này không ảnh hưởng đến đê biển và rừng phòng hộ.
 
Khu đầm của gia đình ông Vươn sau vụ cưỡng chế sát tết (ảnh: Quốc Đô).

Sau khi xử phạt hành chính 1 triệu đồng về hành vi lấn chiếm này, ngày 9/4/1997 UBND huyện Tiên Lãng có quyết định giao bổ sung diện tích đất đó cho ông Vươn sử dụng trong thời hạn 14 năm, tính từ ngày giao 21ha đầu tiên.

Tháng 6/2007, gần hết thời hạn giao đất, ông Vươn có đơn xin tiếp tục được giao đất nhưng UBND huyện Tiên Lãng không cho, ra thông báo là ngưng đầu tư. Ngày 23/4/2008, huyện ra Quyết định 460 thu hồi 21 ha đất đầm. Tiếp đó, ngày 7/4/2009, huyện tiếp tục có Quyết định 461 thu hồi nốt hơn 19 ha đất đầm còn lại.

Không đồng tình, ông khiếu nại Quyết định 461 nhưng UBND huyện Tiên Lãng đã bác khiếu nại. Vì thế, tháng 8/2009, ông đã khởi kiện vụ án hành chính ra tòa Tiên Lãng, yêu cầu hủy quyết định nêu trên. Theo ông Vươn, quyết định thu hồi của huyện là sai vì chưa hết thời hạn giao đất. Nếu hết thời hạn phải chuyển sang giao hoặc cho thuê…

Cuối tháng 1/2010, tòa án huyện Tiên Lãng xử sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của ông Vươn, quyết định giữ nguyên quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng.

Nhận định về phán quyết này của tòa sơ thẩm, Chánh án TAND tối cao cho rằng, tòa án huyện Tiên Lãng đã không xem xét đầy đủ các quy định của pháp luật, chưa tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn về đất đai về tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khởi kiện, quyết định giao đất ban đầu.

Theo đó, để làm rõ đúng - sai trong việc chính quyền huyện thu hồi diện tích đất của ông Vươn thì phải xem xét việc giao đất có đúng các quy định của pháp luật về đất đai hay không. Tòa sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ những vấn đề này mà đã bác đơn kiện của ông Vươn là không đúng.

"Kể cả khi coi việc thu hồi đất là đúng, mà tòa sơ thẩm không xem xét đến việc bồi thường thiệt hại cho người bị thu hồi, thì đó cũng được coi là lỗi chưa xem xét toàn diện vụ án" - kháng nghị tái thẩm nêu.

Ngoài ra, việc tòa sơ thẩm tuyên bố giữ nguyên quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Lãng cũng được nhìn nhận là chưa đủ căn cứ, không đúng thẩm quyền của tòa án, trái quy định của luật tố tụng hành chính.

Tòa phúc thẩm xử lý… tùy tiện

Không tán thành với phán quyết này, ông Đoàn Văn Vươn đã kháng cáo lên TAND thành phố Hải Phòng. Tòa phúc thẩm dự kiến đưa vụ việc ra xét xử ngày 22/4/2010.

Tại thời điểm đang thụ lý vụ kiện của ông Vươn, tòa thành phố cũng đang thụ lý phúc thẩm vụ kiện của ông Vũ Văn Luân, cũng liên quan đến quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng. Ngày 9/4/2010, tòa thành phố tạo điều kiện cho ông Luân và UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận giải quyết vụ kiện. Buổi thỏa thuận ấy, ông Vươn cũng có mặt. Tại buổi làm việc, đại diện huyện Tiên Lãng thể hiện quan điểm là nếu bên khởi kiện rút đơn thì huyện sẽ cho thuê đất. Biên bản buổi thỏa thuận có đóng dấu TAND TP Hải Phòng ghi rõ nội dung này nhưng là giữa ông Luân với Tiên Lãng.
 
Nền cũ ngôi nhà bị phá tại khu đầm (ảnh: Quốc Đô).
 
Thấy chủ trương công nhận thỏa thuận như vậy của tòa, ông Vươn cho rằng cách giải quyết đó cũng áp dụng với mình nên ngày 19/4/2010 ông đã có "Đơn xin rút kháng cáo để UBND huyện tiếp tục giao đất". Trong đơn, ông Vươn nêu lại nội dung thỏa thuận và nêu rõ điều kiện: nếu UBND huyện Tiên Lãng không cho ông thuê lại đất thì đơn này không có giá trị chứng minh là ông tự nguyện rút đơn kháng cáo.

Do đó, phiên xử phúc thẩm vào ngày dự kiến, ông Vươn vắng mặt. Cho rằng ông đã rút kháng cáo nên HĐXX ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, tuyên bản án sơ thẩm có hiệu lực.

Về cách giải quyết này của cấp phúc thẩm, kháng nghị chỉ ra hàng loạt sai phạm. Trước hết, tòa thành phố không thể gộp vụ ông Vươn với ông Luân làm một, vì như thế là chưa tạo điều kiện cho ông Vươn với UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận giải quyết vụ kiện.

Về hiệu lực của đơn xin rút kháng cáo, dù nhận đơn với điều kiện nêu ra rõ ràng của đương sự, tòa phúc thẩm không làm việc với UBND huyện Tiên Lãng để biết ý kiến của cơ quan này về điều kiện rút đơn kháng cáo của người đi kiện là không đúng với quy định của pháp luật tố tụng.

Trực tiếp nhất, tại phiên xét xử vắng mặt ông Vươn, tòa không làm rõ việc rút đơn có tự nguyện hay không, ý kiến các bên thế nào. Chánh án tòa tối cao phân tích, lẽ ra tòa phải hoãn phiên xử, triệu tập đương sự để làm rõ nội dung rút đơn, giải thích cho các bên hiểu về hậu quả của việc rút đơn…. Tòa không thực hiện các động tác này, vẫn xử phúc thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Vươn.

Quyết định kháng nghị cũng đặt giả thiết: "Giả sử giữa ông Vươn và Tiên Lãng có thỏa thuận tự nguyện thực hiện các thỏa thuận thì tòa cũng không thể ra quyết định đình chỉ vụ án, mà phải tuyên hủy bản án sơ thẩm để các đương sự tự giải quyết".

Chưa hết, đến tháng 6/2010, khi ông Vươn có đơn gửi tòa hỏi phải tiếp tục làm gì để được thuê đất thì người ký công văn trả lời cho ông Vươn là Thẩm phán Ngô Văn Anh, thành viên HĐXX phúc thẩm. Việc này, tòa án tối cao cũng nhận định là vượt thẩm quyền của chánh án. Lẽ ra, khi nhận được đơn hỏi của ông Vươn về nội dung này, tòa phải xác định UBND huyện Tiên Lãng đã không thực hiện cam kết thỏa thuận như đơn của ông Vươn trình bày.

Tòa chưa tiến hành các thủ tục cho các bên thảo thuận là sai lầm. Đáng ra phải hướng dẫn để đương sự có đơn đề nghị xét lại quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm không đúng hoặc phải báo cáo người có thẩm quyền để kháng nghị hủy quyết định này.

Từ việc chỉ ra nhiều sai phạm chồng chất của các cấp tòa như vậy, Chánh án TAND tối cao đã quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa Hành chính TAND Tối cao tái thẩm vụ án hành chính của ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng theo hướng tuyên hủy bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng, để giải quyết lại từ đầu vụ kiện.

P.Thảo